Quy định về xử lý kết quả học tập của sinh viên các hệ đào tạo |
CHƯƠNG 1- QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Văn bản này quy định việc tiếp nhận các yêu cầu, xử lý và lưu trữ kết quả học tập của sinh viên hệ đào tạo cao đẳng và đại học chính quy theo niên chế của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện).
2. Đối với các hệ, hình thức đào tạo khác: liên thông; văn bằng 2; học 2 chương trình đào tạo đồng thời; vừa làm vừa học; giáo dục từ xa; học bổ sung hoàn thiện kiến thức;… trong trường hợp các quy chế đào tạo hiện hành của các hệ, hình thức đào tạo tương ứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có các điều khoản quy định khác thì được áp dụng theo các điều khoản của quy định này.
Điều 2: Mục đích
Quy định này nhằm tạo sự thống nhất trong việc tiếp nhận các yêu cầu, xử lý và lưu trữ kết quả học tập của sinh viên tại các đơn vị quản lý giáo vụ trong quá trình đào tạo, tạo sự công bằng, minh bạch và góp phần nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng đào tạo của Học viện.
Điều 3: Đơn vị quản lý giáo vụ
Thuật ngữ “Đơn vị quản lý giáo vụ” được sử dụng trong quy định này là các đơn vị của Học viện có chức năng tổ chức, quản lý, điều hành công tác giáo vụ và công tác sinh viên của các hệ đào tạo, các lớp sinh viên tương ứng được Học viện giao cho đơn vị đó quản lý, phụ trách. Các đơn vị quản lý này bao gồm:
– Phòng Giáo vụ và Công tác sinh viên (phòng GV&CTSV) của Cơ sở Hà đông;
– Phòng GV&CTSV của Học viện Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh;
– Trung tâm Đào tạo quốc tế;
– Trung tâm Đào tạo tại chức;
– Trung tâm Đào tạo đại học từ xa.
CHƯƠNG 2- CHUYỂN ĐỔI CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Điều 4. Các trường hợp chuyển đổi chương trình đào tạo
1. Chuyển đổi chương trình đào tạo là việc: chuyển từ chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy sang chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, hoặc chuyển từ chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy sang các chương trình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng theo các hình thức đào tạo thường xuyên khác.
2. Nguyên tắc chuyển đổi chương trình đào tạo:
a) Theo đúng ngành đào tạo đã trúng tuyển, đã đăng ký học tập; và
b) Từ trình độ đại học xuống trình độ cao đẳng; hoặc từ hệ chính quy sang các hình thức đào tạo thường xuyên khác; hoặc từ hình thức đào tạo vừa làm vừa học sang hình thức giáo dục từ xa.
3. Một số trường hợp chuyển đổi chương trình đào tạo đặc thù:
a) Sinh viên đại học ngành Kỹ thuật Điện – điện tử (104) được chuyển đổi sang học cao đẳng ngành Điện tử viễn thông (C65), hoặc Công nghệ thông tin (C66);
b) Sinh viên đại học ngành Kế toán (402) được chuyển đổi sang học cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh (C67);
c) Sinh viên đại học chính quy lớp chất lượng cao được chuyển đổi sang học đại học chính quy theo đúng ngành học;
d) Sinh viên đại học chính quy bị buộc thôi học do học lực hoặc do vượt quá thời gian đào tạo cho phép được chuyển sang chương trình đào tạo trình độ cao đẳng hệ chính quy;
e) Sinh viên đại học chính quy, đại học hình thức vừa làm vừa học được chuyển sang chương trình đào tạo đại học hình thức giáo dục từ xa cùng ngành học hoặc khác ngành học.
Điều 5. Điều kiện, thủ tục xin chuyển đổi chương trình đào tạo
1. Sinh viên được chuyển đổi chương trình phải hội đủ các điều kiện sau:
a) Sinh viên làm đơn theo mẫu của Học viện
b) Sinh viên nộp đơn trong thời hạn quy định:
– Không quá 2 tuần tính từ đầu học kỳ hiện tại đối với các sinh viên đang học bình thường có nhu cầu chuyển đổi chương trình đào tạo; hoặc
– Không quá 1 năm kể từ ngày sinh viên hết thời gian tối đa được phép học tại chương trình đào tạo đang học (trong trường hợp sinh viên bị buộc thôi học do đã hết thời gian tối đa được phép học); hoặc
– Không quá 1 năm kể từ ngày sinh viên bị buộc thôi học do học lực; hoặc
– Không quá 1 năm kể từ ngày sinh viên hết thời gian được trả nợ tốt nghiệp.
c) Được Giám đốc Học viện phê duyệt
2. Thủ tục:
a) Sinh viên làm đơn xin chuyển đổi chương trình đào tạo nộp cho Đơn vị quản lý giáo vụ (kèm hồ sơ liên quan, nếu có);
b) Không quá 2 tuần kể từ ngày nhận đơn, Đơn vị quản lý giáo vụ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục bảo lưu điểm (nếu có), trình Giám đốc Học viện ban hành quyết định cho phép chuyển đổi chương trình đào tạo.
Trường hợp không cho phép chuyển đổi chương trình đào tạo, Đơn vị quản lý giáo vụ phải thông báo lý do cho sinh viên biết.
c) Không quá 1 tuần kể từ ngày có quyết định chuyển đổi chương trình đào tạo, đơn vị quản lý giáo vụ có trách nhiệm: thông báo kết quả chuyển đổi cho sinh viên; cập nhật dữ liệu quản lý kết quả học tập; và bàn giao hồ sơ sinh viên cho đơn vị quản lý giáo vụ tiếp nhận sinh viên nếu việc chuyển đổi chương trình đào tạo làm thay đổi đơn vị quản lý giáo vụ đối với sinh viên
Điều 6. Xử lý kết quả học tập khi chuyển đổi chương trình đào tạo
Việc xử lý kết quả học tập khi chuyển đổi chương trình đào tạo được thực hiện như quy định tại chương 4 về bảo lưu kết quả học tập (chuyển điểm) của bản quy định này.
CHƯƠNG 3 – MIỄN HỌC, MIỄN THI, TẠM HOÃN HỌC HỌC PHẦN
Điều 7. Điều kiện, thủ tục xin miễn học, miễn thi, tạm hoãn học
1. Sinh viên được miễn học, miễn thi, tạm hoãn học phải hội đủ các điều kiện sau:
a) Sinh viên làm đơn theo mẫu của Học viện
b) Sinh viên nộp đơn trong thời hạn không quá 2 tuần tính từ đầu học kỳ chính khóa hoặc không quá 01 tuần đối với các học kỳ phụ, kỳ hè hoặc học kỳ học bổ sung kiến thức.
c) Được Trưởng đơn vị quản lý giáo vụ phê duyệt, có thông báo chấp thuận cho phép miễn học, miễn thi, tạm hoãn học
2. Thủ tục:
a) Sinh viên làm đơn xin miễn học, miễn thi, tạm hoãn học nộp cho Đơn vị quản lý giáo vụ (kèm bảng điểm hoặc hồ sơ có liên quan).
b) Không quá 1 tuần kể từ thời điểm hết hạn nhận đơn, Đơn vị quản lý giáo vụ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục rà soát, ban hành thông báo cho phép miễn học, miễn thi, tạm hoãn học tập.
Trường hợp không chấp nhận miễn học, miễn thi, tạm hoãn học Đơn vị quản lý giáo vụ phải thông báo lý do cho sinh viên biết.
c) Không quá 1 tuần kể từ ngày ban hành thông báo miễn học, miễn thi, tạm hoãn học, đơn vị quản lý giáo vụ có trách nhiệm: thông báo kết quả cho sinh viên; cập nhật danh sách lớp môn học; và cập nhật dữ liệu, hồ sơ quản lý kết quả học tập của sinh viên.
Điều 8. Đối tượng được miễn, tạm hoãn các học phần: GDQP; GDTC
1. Đối tượng được miễn, tạm hoãn học các học phần GDQP:
a. Đối tượng được miễn học toàn bộ các học phần GDQP:
– Sinh viên nguyên là sỹ quan quân đội;
– Sinh viên là người nước ngoài;
– Sinh viên đang phục vụ tại ngũ;
– Sinh viên là người hưởng lương thuộc biên chế nhà nước được cơ quan cử đi học (có quyết định cử đi học trong hồ sơ nhập học);
Sinh viên đã hoàn thành các học phần về GDQP hoặc đã có chứng chỉ GDQP phù hợp với trình độ đào tạo;
– Sinh viên đã tốt nghiệp đại học trong nước;
b. Đối tượng được miễn các học phần thực hành GDQP:
– Sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ (có quyết định xuất ngũ);
– Sinh viên là tu sĩ thuộc các tôn giáo;
– Sinh viên có thương tật, dị tật bẩm sinh làm hạn chế chức năng vận động (có giấy chứng nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên);
c. Đối tượng được tạm hoãn học các học phần GDQP:
– Sinh viên đang học nhưng sức khỏe không đảm bảo;
– Sinh viên đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng;
– Sinh viên có lý do đặc biệt về hoàn cảnh gia đình.
2. Đối tượng được miễn, tạm hoãn học các học phần GDTC:
a. Đối tượng được miễn học toàn bộ các học phần GDTC:
Sinh viên đã hoàn thành các học phần về GDTC hoặc đã có chứng chỉ GDTC phù hợp với trình độ đào tạo.
b. Đối tượng được miễn các học phần thực hành GDTC:
Sinh viên có thương tật, dị tật bẩm sinh làm hạn chế chức năng vận động (có giấy chứng nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên).
c. Đối tượng được tạm hoãn học các học phần GDTC:
– Sinh viên đang học nhưng sức khoẻ không đảm bảo;
– Sinh viên đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.
Điều 9. Đối tượng được miễn học, miễn thi các học phần tiếng Anh
1. Sinh viên đã có bằng cao đẳng, đại học ngành tiếng Anh; sinh viên có bằng cao đẳng, đại học của nước ngoài mà ngôn ngữ đã sử dụng trong học tập là tiếng Anh được xét miễn toàn bộ các học phần tiếng Anh cơ bản (tiếng Anh 1, tiếng Anh 2, tiếng Anh 3).
2. Sinh viên đã có kết quả học tập các học phần tiếng Anh ở trình độ, loại hình đào tạo tương đương về nội dung, khối lượng kiến thức học phần được xét miễn học, miễn thi các học phần tương ứng.
3. Sinh viên có kết quả thi kiểm tra đầu vào, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn hiệu lực được xét miễn học, miễn thi các học phần theo “Quy định về thi và công nhận kết quả các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo đại học chính quy” ban hành kèm theo quyết định số 558/QĐ-GV&CTSV ngày 03/8/2010 của Học viện.
Điều 10. Miễn học, miễn thi, tạm hoãn các học phần khác
1. Sinh viên đã có bằng cao đẳng, đại học hoặc đang học cao đẳng, đại học được quyền xin xét miễn học, miễn thi đối với những học phần có nội dung và số đơn vị học trình/tín chỉ (đvht/tc) tương đương hoặc lớn hơn các học phần trong chương trình đào tạo của Học viện (bao gồm cả các môn học, học phần học bổ xung, hoàn thiện kiến thức đầu vào), đạt từ 5 điểm trở lên và trong thời hạn không quá 1 năm đối với chương trình đào tạo cao đẳng, không quá 2 năm đối với chương trình đào tạo đại học (không quy định về thời hạn đối với sinh viên đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học).
2. Sinh viên được quyền xin tạm hoãn học trong một số trường hợp: ốm đau hoặc tai nạn đột xuất; sinh viên được Học viện cử đi tham gia các cuộc thi (³3 ngày) trong thời gian học tập chính khóa; sinh viên vào lớp muộn khi lớp học phần đã tổ chức được trên 30% số tiết giảng dạy trên lớp của giảng viên (vì lý do được chuyển đổi chương trình đào tạo).
Điều 11. Xử lý điểm miễn học, miễn thi, tạm hoãn học
1. Sinh viên được xét miễn học, miễn thi được ghi điểm miễn (điểm M) trong bảng điểm. Học phần được miễn học, miễn thi không được tính trong điểm TBC học tập.
2. Sinh viên được miễn học thực hành các học phần GDQP, GDTC được lấy điểm học lý thuyết (tính trọng số 100%) để tính điểm các học phần GDQP, GDTC.
3. Sinh viên được tạm hoãn học các học phần thì sau khi hết thời hạn tạm hoãn phải tiếp tục học những nội dung, học phần còn thiếu trong chương trình quy định.
4. Sinh viên được xét tạm hoãn học được ghi nhận chưa đủ dữ liệu đánh giá (điểm H) trong bảng điểm. Học phần được tạm hoãn học không được tính trong điểm TBC học tập trong học kỳ xét, xử lý kết quả học tập năm học.
CHƯƠNG 4- BẢO LƯU KẾT QUẢ HỌC TẬP (CHUYỂN ĐIỂM)
Điều 12. Các trường hợp bảo lưu kết quả học tập (chuyển điểm)
Sinh viên được quyền bảo lưu kết quả học tập (chuyển điểm) trong các trường hợp sau:
1. Sinh viên đã có bằng cao đẳng, đại học hoặc đang học cao đẳng, đại học xin bảo lưu kết quả học tập khi học ngành học, trình độ học tập khác tại Học viện;
2. Sinh viên đã được chấp nhận chuyển trường (chuyển đến);
3. Sinh viên xin ngừng học có thời hạn vì: được động viên vào lực lượng vũ trang; bị ốm hoặc tai nạn buộc phải điều trị thời gian dài hoặc vì lý do cá nhân;
4. Sinh viên xin chuyển bậc đào tạo từ hệ đại học xuống hệ cao đẳng hoặc sinh viên xin chuyển từ hệ đào tạo chính qui sang các hệ: vừa làm vừa học, đào tạo từ xa hoặc từ hệ vừa làm vừa học sang hệ đào tạo từ xa vì lý do cá nhân;
5. Sinh viên bị ngừng học vì kết quả học tập, bị đình chỉ học tập;
Điều 13. Điều kiện, thủ tục xin bảo lưu kết quả học tập
1. Sinh viên được bảo lưu kết quả học tập phải hội đủ các điều kiện sau:
a) Sinh viên làm đơn theo mẫu của Học viện đối với các trường hợp đã ghi ở khoản 1 và khoản 2 điều 12.
Các trường hợp khác việc bảo lưu kết quả học tập được Đơn vị quản lý giáo vụ thực hiện tự động khi xử lý nghiệp vụ tương ứng.
b) Sinh viên nộp đơn trong thời hạn không quá 2 tuần tính từ đầu học kỳ hiện tại đối với các trường hợp đã ghi ở khoản 1 và khoản 2 điều 12;
c) Được Giám đốc Học viện cho phép bảo lưu và được Trưởng đơn vị quản lý giáo vụ phê duyệt bảng điểm bảo lưu
2. Thủ tục:
a) Sinh viên làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập nộp cho Đơn vị quản lý giáo vụ (kèm hồ sơ có liên quan, nếu có);
b) Không quá 2 tuần kể từ ngày nhận đơn, Đơn vị quản lý giáo vụ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục, trình Giám đốc Học viện ban hành quyết định cho phép sinh viên bảo lưu kết quả học tập.
Trường hợp không cho phép bảo lưu kết quả học tập, đơn vị quản lý giáo vụ phải thông báo lý do cho sinh viên biết.
c) Không quá 1 tuần kể từ ngày có quyết định cho phép sinh viên bảo lưu kết quả học tập, đơn vị quản lý giáo vụ có trách nhiệm: thông báo kết quả cho sinh viên; cập nhật hồ sơ, dữ liệu quản lý kết quả học tập của sinh viên, lớp sinh viên.
Điều 14. Xử lý bảo lưu kết quả học tập
1. Đối với các học phần (hoặc học phần tương đương) sinh viên đã học, đã thi đạt và có số đvht/tc lớn hơn hoặc bằng so với học phần trong chương trình đào tạo hiện hành của Học viện, và kết quả học tập vẫn trong thời hạn bảo lưu như quy định tại khoản 1, điều 10 của quy định này thì sinh viên được công nhận, bảo lưu, chuyển điểm theo bảng điểm, kết quả học tập và chương trình đào tạo của lớp chuyển đến. Sinh viên được bảo lưu không phải tham gia học tập, thi kiểm tra học phần đó.
2. Trường hợp do thay đổi chương trình đào tạo khi sinh viên phải chuyển khóa học, chuyển hệ đào tạo:
a) Sinh viên phải học, tích lũy đủ chương trình đào tạo theo lớp của khóa học hoặc hệ đào tạo được chuyển đến.
b) Đối với các học phần (hoặc học phần tương đương) sinh viên đã học, đã thi đạt nhưng có số đvht/tc không ít hơn 1 đvht/tc của học phần trong chương trình đào tạo của lớp chuyển đến: sinh viên được công nhận, bảo lưu, chuyển điểm theo bảng điểm, kết quả học tập và chương trình đào tạo của lớp chuyển đến.
c) Đối với những sinh viên phải học lại các học phần không còn trong chương trình đào tạo của các khóa sau thì sinh viên được phép xin học học phần tương đương thay thế. Trong trường hợp này việc chấp nhận cho phép học học phần thay thế được do Trưởng đơn vị quản lý giáo vụ thông báo chấp thuận trên cơ sở có ý kiến chấp thuận của Khoa đào tạo vào đơn đề nghị của sinh viên. Cuối khóa học, sinh viên được cấp, lập bảng điểm riêng.
CHƯƠNG 5- XỬ LÝ KẾT QUẢ HỌC TẬP NĂM HỌC VÀ KHÓA HỌC
Điều 15. Thời gian tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo
1. Sinh viên chuyển hệ đào tạo (đại học xuống cao đẳng): thời gian tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo được tính như sinh viên theo lớp của khóa học được chuyển tới.
2. Thời gian tối đa hoàn thành chương trình đào tạo bao gồm thời gian quy định cho chương trình đào tạo tương ứng cộng với:
– 2 năm đối với chương trình đào tạo từ 3 năm đến dưới 5 năm;
– 3 năm đối với chương trình đào tạo từ 5 năm trở lên.
3. Sinh viên thuộc đối tượng ưu tiên được cộng thêm 1 năm vào Thời gian tối đa hoàn thành chương trình đào tạo như quy định ở khoản 2 của điều này.
Điều 16. Căn cứ, thời gian, thủ tục xét kết quả học tập cuối năm học:
1. Việc xử lý kết quả học tập năm học được căn cứ vào:
– Kết quả học tập của 2 kỳ học chính và 01 kỳ phụ (nếu có). Trong đó: kết quả học tập của 2 kỳ học chính bao gồm kết quả 2 lần thi; kết quả học tập của kỳ phụ bao gồm kết quả thi lần 1 và kết quả thi lần 2 (nếu có tại thời điểm xét).
– Thông báo về việc nợ học phí năm học của bộ phận kế toán tài chính (nếu có);
– Kết quả đánh giá ý thức học tập, điểm rèn luyện của sinh viên trong năm học;
– Hồ sơ sinh viên (nếu có liên quan).
2. Việc xét, xử lý kết quả học tập cuối năm học phải được thực hiện muộn nhất trong vòng 1 tháng kể từ ngày bắt đầu kỳ học của năm học kế tiếp;
3. Căn cứ kế hoạch đào tạo, kết quả học tập, đơn vị quản lý giáo vụ thực hiện các nhiệm vụ, thủ tục sau:
– Tổ chức cập nhật kết quả học tập, rà soát, bố trí gặp gỡ các lớp, các sinh viên thuộc diện bị ngừng học, buộc thôi học để hướng dẫn, giải đáp trước cho sinh viên về các thủ tục chuyển đổi chương trình đào tạo, đăng ký học lại với các lớp khóa sau,… theo các quy định hiện hành.
– Báo cáo (Biểu BM.GVCTSV.07.09), trình Hội đồng xét học tiếp, cho ngừng học, buộc thôi học của Học viện, thực hiện ghi biên bản theo kết luận của Hội đồng (Biểu BM.GVCTSV.07.10)
– Không quá 1 tuần sau khi có kết luận của Hội đồng, thực hiện các thủ tục, lập danh sách trình duyệt, ban hành, phổ biến quyết định, danh sách sinh viên được lên lớp, cho ngừng học, buộc thôi học (Biểu BM.GVCTSV.07.11).
Điều 17. Xử lý kết quả học tập cuối năm học
1. Sinh viên được học tiếp lên năm học sau (lên lớp) nếu có đủ điều các kiện sau:
– Có điểm trung bình chung (ĐTBC) học tập của năm học từ 5,00 trở lên.
– Có khối lượng các học phần bị điểm dưới 5 tính từ đầu khoá học không quá 25 đvht.
Tại các học kỳ kế tiếp, sinh viên phải chủ động đăng ký học lại những học phần bị điểm dưới 5 nếu là học phần bắt buộc; đăng ký học lại hoặc có thể đăng ký chuyển sang học phần mới nếu là học phần tự chọn.
2. Sinh viên bị buộc tạm ngừng học để có thời gian củng cố kiến thức, cải thiện kết quả học tập nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
– Có ĐTBC học tập của năm học nằm trong giới hạn từ 3,50 đến 4,99.
– Có khối lượng các học phần bị điểm dưới 5 tính từ đầu khoá học vượt quá 25 đvht.
– Có ĐTBC học tập tất cả các học phần tính từ đầu khoá học:
+ Từ 4,00 đến 4,99 sau hai năm học.
+ Từ 4,50 đến 4,99 sau ba năm học.
+ Từ 4,80 đến 4,99 sau từ bốn năm học trở lên.
3. Sinh viên bị buộc thôi học nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
a) Có ĐTBC học tập của năm học dưới 3,50;
b) Có ĐTBC học tập tất cả các học phần tính từ đầu khoá học dưới 4,00 sau hai năm học; dưới 4,50 sau ba năm học và dưới 4,80 sau 4 năm học trở lên.
c) Đã hết thời gian tối đa để hoàn thành chương trình học.
d) Không đóng học phí 2 kỳ học liên tiếp;
e) Bị kỷ luật lần thứ hai vì đi thi hộ hay nhờ người khác thi hộ.
Chậm nhất là một tháng sau khi sinh viên có quyết định buộc thôi học, đơn vị quản lý giáo vụ có trách nhiệm thông báo trả về địa phương nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú. Các sinh viên đại học nếu bị buộc thôi học vì rơi vào các trường hợp a, b, c của khoản 3 điều này được quyền xin xét chuyển đổi qua học chương trình đào tạo cao đẳng hoặc các hình thức đào tạo thường xuyên khác và được xét bảo lưu kết quả học tập như quy định tại chương 2 và chương 4.
4. Xử lý kết quả học tập các trường hợp đặc biệt:
Trong quá trình xét, xử lý kết quả học tập cuối năm học các trường hợp căn cứ vào các quy chế đào tạo, đặc thù của loại hình, hệ bậc đào tạo và điều kiện thực tế của Học viện, Học viện có thể xét điều chỉnh điều kiện xét lên lớp, ngừng học, buộc thôi học hoặc xét ưu tiên đối với các trường hợp: Sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên có nhiều đóng góp trong hoạt động phong trào và công tác học sinh sinh viên; sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (các trường hợp xét ưu tiên phải có đơn, hồ sơ hợp lệ trước thời hạn Hội đồng tổ chức họp xét).
Các trường hợp đặc biệt cụ thể sẽ do Hội đồng xét học tiếp, cho ngừng học, buộc thôi học xem xét, trình Giám đốc Học viện phê duyệt phù hợp với các quy chế, quy định đào tạo hiện hành.
Điều 18: Quy định đối với sinh viên bị ngừng học.
1. Sinh viên bị ngừng học được xếp trong danh sách lớp sinh viên cùng hệ, ngành học ở khóa sau để thuận tiện cho quá trình học tập và quản lý.
2. Trong thời gian bị ngừng học, sinh viên phải đăng ký học:
– Các học phần sinh viên còn nợ, sinh viên thực hiện việc đăng ký học lại theo quy định
– Các học phần thuộc chương trình của lớp mới mà sinh viên chưa học (do kế hoạch hoặc chương trình đào tạo của các khóa có sự khác nhau): sinh viên đăng ký học và không phải nộp học phí . Kết quả học tập được tính vào kết quả năm học bị ngừng học của sinh viên.
3. Trường hợp sinh viên bị ngừng học vì lý do học lực, sinh viên được phép đăng ký học cải thiện điểm ở năm học bị ngừng học đối với những học phần đã thi đạt. Trưởng đơn vị quản lý giáo vụ phê duyệt, thông báo chấp thuận cho phép học cải thiện điểm như quy trình đăng ký học lại
Điều 19: Quy định đối với sinh viên cuối khóa
1. Những sinh viên đủ điều kiện thi tốt nghiệp được thực hiện theo các quy định về thi tốt nghiệp hiện hành của Học viện.
2. Những sinh viên chưa đủ điều kiện thi tốt nghiệp nhưng không thuộc diện bị ngừng học, bị buộc thôi học được tạm xếp trong danh sách lớp sinh viên cùng hệ, ngành học ở khóa sau để thuận tiện cho quá trình học tập và quản lý tương tự như trường hợp sinh viên bị ngừng học:
a) Nếu sinh viên học trả nợ môn và đủ điều kiện thi tốt nghiệp, sinh viên được dự thi tốt nghiệp cùng với khóa sau.
b) Nếu khi sinh viên đã hết thời gian tối đa được phép học mà vẫn chưa đủ điều kiện thi tốt nghiệp, sinh viên bị buộc thôi học theo quy định.
3. Những sinh viên đã thi tốt nghiệp nhưng chưa đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp:
a) Nếu chưa hết thời gian tối đa được phép học được tạm xếp trong danh sách lớp sinh viên cùng hệ, ngành học ở khóa sau để thuận tiện cho quá trình trả nợ môn và quản lý xét tốt nghiệp.
b) Nếu đã hết thời gian tối đa được phép học mà vẫn chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp sinh viên được lập danh sách theo dõi riêng (Biểu BM.GVCTSV.07.14) và phải đăng ký học trả nợ để có đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp với các khoá dưới trong phạm vi 2 năm đối với hệ cao đẳng hoặc 3 năm đối với hệ đại học tính từ ngày kết thúc khoá học.
Điều 20: Cách tính và xếp loại kết quả học tập
1. Điểm trung bình chung học tập (ĐTBC) của mỗi học kỳ, mỗi năm học, hoặc mỗi khoá học được tính theo công thức:
ĐTBC = (åai.ni)/(åni)
Trong đó: ĐTBC là điểm trung bình chung học tập
ai là điểm học phần thứ i
ni là số đvht/tc của học phần thứ i
N là tổng số học phần
– ĐTBC mỗi học kỳ, năm học và khoá học được tính đến hai chữ số thập phân.
– ĐTBC sau từng học kỳ, từng năm học dùng để xét học bổng, khen thưởng được lấy theo kết quả thi kết thúc học phần ở lần thi thứ nhất.
– ĐTBC dùng để phân loại kết quả học tập của khoá học, xét tốt nghiệp, xét học tiếp, ngừng học hay thôi học được tính theo điểm học phần cao nhất có giá trị xét.
– Không tính kết quả thi các học phần GDQP và GDTC, kết quả thi tốt nghiệp đối với các môn Khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào ĐTBC học tập của học kỳ, năm học hay khoá học.
2. Xếp loại kết quả học tập:
a. Loại đạt:
– Từ 9 đến 10 : Xuất sắc
– Từ 8 đến cận 9: Giỏi
– Từ 7 đến cận 8: Khá
– Từ 6 đến cận 7: Trung bình khá
– Từ 5 đến cận 6: Trung bình
b. Loại không đạt:
– Từ 4 đến cận 5: Yếu
– Dưới 4: Kém
Điều 21: Bảng điểm học tập kỳ học, năm học và toàn khóa học
1. Bảng điểm học tập kỳ học, năm học và toàn khóa học của tập thể lớp sinh viên được cấp cho Ban cán sự lớp trong phạm vi không quá 2 tuần kể từ ngày Đơn vị quản lý giáo vụ tiếp nhận đầy đủ kết quả thi lần 2 của kỳ học, năm học, khóa học
2. Bảng điểm học tập kỳ học, năm học của cá nhân sinh viên được cấp trong phạm vi không quá 1 tuần kể từ ngày tiếp nhận đơn đề nghị của sinh viên
3. Bảng điểm học tập toàn khóa học được cấp kèm theo bằng tốt nghiệp, được quy định thống nhất trong toàn Học viện về hình thức và nội dung (theo biểu QT1/ĐT3-BM09b, ban hành kèm theo quyết định số 239/QĐ-ĐT&KHCN, ngày 22/4/2010 của Giám đốc Học viện về việc phê duyệt quy trình kiểm soát quá trình công nhận tốt nghiệp và quản lý cấp phát văn bằng tốt nghiệp). Trong đó điểm đánh giá của từng học phần chỉ bao gồm điểm học phần cao nhất và được ghi bằng số và bằng chữ.
CHƯƠNG 6–CÔNG BỐ VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ KẾT QUẢ HỌC TẬP
Điều 22: Công bố kết quả xử lý, kết quả học tập
1. Các đơn vị quản lý giáo vụ có trách nhiệm công bố, trả lời bằng văn bản in đối với các yêu cầu xử lý kết quả học tập của sinh viên trong các trường hợp sau đây: xin chuyển đổi chương trình đào tạo; xin miễn học, miễn thi, tạm hoãn học; xin bảo lưu kết quả học tập; xin học lại; xin cấp bảng điểm kỳ học, năm học và toàn khóa học của cá nhân; bảng điểm học tập của lớp sau mỗi kỳ học, năm học trong thời hạn được quy định.
2. Khuyến khích các đơn vị quản lý giáo vụ thực hiện công bố, trả lời bằng văn bản điện tử và các thông tin liên quan khác (công bố trên trang Web, nhắn tin, gửi email) song song với hệ thống văn bản in như quy định ở khoản 1 của điều này.
Trường hợp sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản in phải đảm bảo việc tiếp nhận thông tin, kết quả xử lý, kết quả của sinh viên, lớp sinh viên được an toàn, thuận tiện, nhanh chóng và chính xác.
Điều 23: Lưu trữ hồ sơ kết quả học tập
1. Các hồ sơ, dữ liệu về kết quả học tập, xử lý kết quả học tập của cá nhân sinh viên được lưu trữ ít nhất 1 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp.
2. Các hồ sơ, dữ liệu về kết quả học tập, xử lý kết quả học tập được quy định tại điều 16 phải được lưu giữ vĩnh viễn (bằng bản in và đĩa CD).
CHƯƠNG 7 – ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24: Điều khoản thi hành
1. Quy định này thay thế toàn bộ các điều khoản đã được quy định tại chương 2 của bản Quy định về thi kết thúc học phần, xử lý kết quả học tập, thi cuối khoá và công nhận tốt nghiệp hệ đại học và cao đẳng chính quy ban hành kèm theo quyết định số 885/QĐ-QLĐT ngày 19/11/2007 của Giám đốc Học viện.
2. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và có phạm vi áp dụng trong toàn Học viện. Các quy định có liên quan trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Những nội dung liên quan mà quy định này chưa đề cập tới hoặc đề cập khác với các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thực hiện theo các điều khoản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh các đơn vị có ý kiến bằng văn bản để Giám đốc Học viện xem xét, quyết định./.
|